Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển, làm dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng, đặc biệt là ở người già và trẻ nhỏ sức đề kháng yếu. Tháng 12 là thời điểm thời tiết thay đổi thất thường, bắt đầu xuất hiện những cơn gió lạnh kèm theo tiết trời hanh khô là điều kiện thuận lợi gây ra các bệnh như: Cúm, viêm mũi dị ứng, sởi,... Cần tìm hiểu về nguyên nhân và cách phòng ngừa bệnh để chăm sóc trẻ tốt khi thời tiết giao mùa.
1. Bệnh cúm
* Nguyên nhân:
Bệnh cúm (bao gồm type A, B, C) do virus Influenza gây ra là một dạng bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính. Bệnh có nhiều triệu chứng điển hình như hắt hơi, sổ mũi, ho,... và thường không quá nghiêm trọng, tuy nhiên một số trường hợp vẫn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được kiểm soát tốt.
Khi virus cúm Influenza xâm nhập vào tế bào biểu mô đường hô hấp và nhân lên sẽ gây ra cúm. Cúm bao gồm 3 type A, B, C với mức độ nghiêm trọng giảm dần. Cụ thể:
Cúm type A: nguy hiểm hơn bởi có khả năng bùng phát thành dịch.
Cúm type B: ít lây lan thành dịch bởi khả năng gây bệnh giới hạn.
Cúm type C: hiếm khi gây thành dịch bởi các triệu chứng hầu hết đều nhẹ và không nghiêm trọng (viêm đường hô hấp dưới, cảm lạnh,...).
Khi người bệnh chảy nước mũi, hắt hơi hay ho, virus có thể theo đó bắn ra ngoài và lây cho những người khác thông qua đường hô hấp. Tỷ lệ mắc cúm thường cao hơn ở người già và trẻ em, đặc biệt hay gặp phải vào thời tiết lạnh.
Các biểu hiện: Sau thời gian ủ bệnh tầm 2 ngày, người bệnh sẽ bắt đầu xuất hiện tình trạng hắt xì, đau họng và sổ mũi. Bên cạnh đó, bệnh cúm còn gây ra những triệu chứng dưới đây:
- Sốt kéo dài và thường trên 38 độ C.
- Đau đầu và đau cơ.
- Viêm họng và bị ho khan.
- Nghẹt mũi.
- Bị ớn lạnh.
* Các biện pháp phòng ngừa:
Rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với những đồ vật ở nơi công cộng hoặc những vật dụng của người đang bị cúm. Tự tạo cho bản thân thói quen rửa tay trước khi ăn và ngay sau khi đi vệ sinh.
Dùng tay hay khăn giấy che miệng và mũi lại khi hắt xì hoặc ho để tránh tình trạng virus cúm theo tuyến nước bọt bắn ra ngoài.
Hạn chế đến những nơi công cộng.
Tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo khuyến cáo của bác sĩ, nhất là những đối tượng có sức khỏe nhạy cảm như phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ.
Kết hợp uống thuốc phòng bệnh theo chỉ định của bác sĩ.
Người mắc phải cúm cần phải uống thật nhiều nước, mặc áo quần thoải mái, giữ gìn vệ sinh cá nhân và đặc biệt cần nghỉ ngơi thư giãn để đẩy lùi nhanh bệnh tật.
2. Viêm mũi dị ứng
* Nguyên nhân:
Viêm mũi dị ứng ở trẻ tiến triển khi niêm mạc mũi bên trong bị viêm, quá trình này xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên. Bệnh viêm mũi dị ứng hoạt động bằng cách giải phóng histamin dẫn đến sưng, ngứa, tăng xuất tiết dịch mũi.
Nguy cơ viêm mũi dị ứng ở trẻ tăng lên do thời tiết lạnh, ô nhiễm không khí và hệ thống miễn dịch của trẻ yếu. Các dấu hiệu nhận biết bao gồm hắt hơi, ngứa mũi, sổ mũi và trẻ thường quấy khóc nhiều, đặc biệt là vào ban đêm. Nếu không được điều trị một cách hiệu quả, bệnh có thể tiến triển thành các biến chứng như viêm xoang, viêm họng và các vấn đề khác.
* Các biện pháp phòng ngừa:
Để chăm sóc trẻ em bị viêm mũi dị ứng, phụ huynh có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau đây:
Thực hiện việc rửa mũi hàng ngày bằng nước muối sinh lý là điều cần thiết cho trẻ, đặc biệt khi trẻ tiếp xúc với môi trường bên ngoài hoặc khi thời tiết giá lạnh.
Phòng ở luôn sạch sẽ, thông thoáng. Đối với trẻ em đang mắc viêm mũi dị ứng, trước khi đi ngủ cha mẹ có thể sử dụng khăn ấm lau nhẹ nhàng hai bên cánh mũi để giúp trẻ dễ dàng đi vào giấc ngủ.
Hãy đảm bảo vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho trẻ. Dạy trẻ cách đánh răng và sử dụng nước súc miệng để giúp bảo vệ sức khỏe của hệ hô hấp và răng miệng của trẻ luôn được duy trì trong tình trạng tốt.
Để tăng cường sức đề kháng cho trẻ, cần thực hiện một chế độ dinh dưỡng cân đối, cho trẻ ăn nhiều rau và hoa quả tươi nhằm cung cấp các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C. Hơn nữa, việc trẻ đảm bảo ngủ đúng giờ giấc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức đề kháng của cơ thể, giúp đối phó với các tác nhân gây bệnh nói chung và viêm mũi dị ứng nói riêng.
Trong những ngày chuyển mùa, cần đặc biệt chú trọng việc giữ ấm cho cơ thể trẻ.
3. Bệnh sởi
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính cực kỳ nguy hiểm do virus gây ra, tốc độ lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, đặc biệt là ở những khu vực đông người như: nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư. Bệnh dễ bùng phát thành dịch, thậm chí đại dịch nếu không có biện pháp phòng ngừa thích hợp. Bệnh sởi ở trẻ em phổ biến và diễn biến nguy hiểm với nhiều biến chứng nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng của trẻ nếu không được điều trị kịp thời.
* Nguyên nhân:
Nguyên nhân gây bệnh sởi ở trẻ em là do virus Morbili (thuộc họ Paramyxoviridae). Khi xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc hô hấp như mắt, mũi, miệng…, virus sẽ xâm nhập vào phổi và bắt đầu tấn công các tế bào miễn dịch trong hệ hô hấp. Sau khi xâm lấn vào các hạch bạch huyết, virus tiếp tục lan truyền qua đường máu đến khắp các cơ quan trong cơ thể như gan, da, hệ thần kinh trung ương, lá lách và nhiều cơ quan khác, gây tổn thương đa cơ quan.
Khi virus tấn công các tế bào da, chúng gây viêm các mao mạch, dẫn đến tình trạng phát ban sởi đặc trưng. Đáng lo ngại hơn, nếu virus vượt qua hàng rào máu não và xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương, nó có thể gây sưng não, một biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng. Tình trạng này không chỉ gây nguy hiểm trực tiếp mà còn làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng khác, đặc biệt ở những trẻ em có hệ miễn dịch yếu.
Bệnh sởi lây chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết mũi hoặc họng của bệnh nhân khi ho, nói chuyện hoặc hắt hơi. Virus sởi cũng có khả năng lây gián tiếp khi chạm tay vào các đồ vật, bề mặt bị nhiễm dịch tiết đường mũi họng của người bệnh sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng. Đặc biệt, virus có thể sống trong không khí hoặc trên các bề mặt bị nhiễm bệnh trong tối đa 2 giờ. Thời kỳ lây truyền của bệnh kéo dài từ 4 ngày trước khi phát ban đến 4 ngày sau khi phát ban biến mất. Chính vì thế, ngay cả trong giai đoạn ủ bệnh, bệnh sởi chưa khởi phát và ngay cả khi trong giai đoạn phục hồi, phát ban biến mất, virus sởi vẫn có thể lây lan từ người sang người.
* Các biện pháp phòng ngừa:
Cách phòng ngừa bệnh sởi cho trẻ em hiệu quả nhất hiện nay là tiêm vắc xin. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trẻ từ 9 tháng tuổi cần được tiêm vắc xin Sởi đơn hoặc vắc xin kết hợp Sởi – Quai bị – Rubella (loại thế hệ mới – vắc xin Priorix) sớm và không trì hoãn.
Bên cạnh việc tiêm ngừa vắc xin sởi từ sớm cho trẻ, phụ huynh hoặc người chăm sóc trẻ cần:
- Hạn chế cho trẻ đến những nơi tập trung đông người khi không cần thiết và tránh tiếp xúc với người ốm, đặc biệt là bệnh nhân sởi hoặc nghi mắc sởi. Tránh đưa trẻ đến nơi đang có dịch hoặc nguy cơ lây nhiễm cao.
- Đối với các bệnh nhân mắc sởi, cần thực hiện cách ly ít nhất từ 7 – 10 ngày vì bệnh lây lan mạnh nhất 4 ngày trước và 4 ngày sau khi xuất hiện phát ban. Người chăm sóc và nhân viên y tế cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc người bệnh để giảm lây nhiễm.
- Vệ sinh cá nhân và môi trường sống cũng cần được chú trọng. Mọi người nên hạn chế tiếp xúc với người bệnh, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt khi chăm sóc trẻ.
- Gia đình cần giữ nhà cửa thông thoáng, khử trùng thường xuyên và làm sạch đồ chơi, dụng cụ của trẻ bằng dung dịch cloramin B.
- Nếu trẻ có dấu hiệu bệnh như ho, sốt, chảy nước mũi, và phát ban, cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám kịp thời.
Vệ sinh, giữ ấm cơ thể và cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa các dịch bệnh khi thời tiết giao mùa!
Hãy chăm sóc trẻ tốt để trẻ có cơ thể khỏe mạnh, sức đề kháng tốt chống lại dịch bệnh!
Bổ sung thực phẩm cần thiết để tăng sức đề kháng
Tiêm phòng đầy đủ giúp trẻ phòng ngừa dịch bệnh