“Lễ hội 5 làng Mọc” có tầm ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống văn hóa, góp phần tạo thuận lợi cho công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đặc sắc của vùng “Kẻ Mọc”. Đồng thời, đặt ra trách nhiệm đối với hai quận, hai phường và các tiểu ban quản lý di tích trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích.
Lễ hội này được hình thành từ tục kết chạ giữa năm làng Giáp Nhất, Chính Kinh, Cự Lộc, Quan Nhân và Phùng Khoang. Ở năm làng Mọc, mỗi làng thờ một vị Thành hoàng làng riêng. Làng Giáp Nhất thờ Phùng Luông - Một vị tướng dưới thời Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng; Làng Cự Chính thờ Đức Thánh Lã Đại Liệu - một nha tướng dưới thời Ngô Quyền; Làng Quan Nhân thờ Trung Nghĩa Đại Vương Hùng Lãng Công - người có công đánh giặc Nam Chiếu và dưới phủ thờ phu nhân là Thánh bà Trương Mỵ Nương; Làng Phùng Khoang thờ Đoàn Thượng tướng quân - một trung thần thời Lý.
Từ năm 1992, dân các làng thống nhất 5 năm tổ chức lễ hội một lần (gọi là Đại đám) vào ngày 11, 12 tháng Hai âm lịch theo hình thức luân phiên từng làng đăng cai; những năm không phải hội lớn, từng làng vẫn tổ chức riêng theo tập tục.
Cũng như các lễ hội truyền thống của cả nước, “Lễ hội 5 làng Mọc” là lễ hội dân gian được Nhân dân địa phương nắm giữ, thực hành, trao truyền qua các thế hệ. Lễ hội có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần, đời sống tâm linh, thể hiện sự biết ơn các vị tiền nhân, vừa thể hiện trách nhiệm và niềm tự hào của cộng đồng trong tổ chức lễ hội, thể hiện truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động sản xuất, trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của Nhân dân địa phương.